NGƯỜI TUNG HOÀNH MIỀN TÂY BẮC

Chuyện về người tung hoành miền Tây Bắc

Thứ tư, 12/3/2008, 07:00 GMT+7

Ông là một trong những người cầm quân tham gia cướp chính quyền, là ủy viên quân sự trong Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Hòa Bình từ năm 1945, là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn độc lập 930 rất gan dạ và thông minh…

Theo những trang di cảo

Ngồi bên cô Đinh Lâm Oanh – giáo viên Trường trung học cơ sở Hữu Nghị – thành phố Hòa Bình trong một buổi chiều mưa, lật giở những trang di cảo úa vàng từ những năm 50 của thế kỷ XX mà thời gian đã làm cho hư hỏng khá nhiều, tôi thật sự xúc động về một nhân cách văn hóa Mường, một nhân chứng lịch sử, một con người nghĩa khí, một cốt cách đáng trọng. Ông là tiểu đoàn trưởng Đinh Công Đốc.

Những năm tháng tuổi trẻ, tôi chỉ biết tới ông qua lời giới thiệu ngắn gọn của cô giáo dạy lịch sử. Ông là một trong những người cầm quân tham gia cướp chính quyền, là ủy viên quân sự trong Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Hòa Bình từ năm 1945, là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn độc lập 930 rất gan dạ và thông minh.

Năm 1984 trong một đêm mưa rét, tôi được gặp ông một lần tại xã Vầy Nưa – huyện vùng cao Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Ông ngồi bên bếp lửa và trò chuyện với mọi người. Sự thâm trầm, đôi mắt sáng, vầng trán cao, mái tóc bạc trắng… Cách nói chuyện giản dị và sâu sắc của ông khiến cho tôi – cô giáo mới ra trường – cứ cảm giác là được gặp một chí sĩ đầu thế kỷ.

Hình như ông đã viết những trang đời ấy với tất cả niềm say mê. Thứ giấy đen, đã mờ nhạt nhưng những dòng chữ thật rắn rỏi… Người Mường chúng tôi, những người có học, là con nhà Lang, nhà thế phiệt họ hiểu cách mạng với một tâm hồn sợ sệt, họ sợ ảnh hưởng đến ngôi vị của họ. Còn tôi thì khác, bố tôi khác, tôi hiểu hơn họ là biết thời cuộc. Nếu tham làm quan thì năm 1942 tôi 17 tuổi đã làm phó Châu con rồi. Nếu tham vọng thì sống luôn bị nó (Thực dân Pháp) đem bả vinh hoa phú quí đầu độc, tuổi trẻ sẽ mờ đi trong trướng gấm phồn hoa… Nên tôi đã khước từ nó không một chút mảy may suy nghĩ.

Lời tâm sự đó trong trang thư nhòe mực như một định hướng cho cuộc sống và chiến đấu của ông. Sinh ra trong một gia đình quan lang. Ông nội là Đinh Như Quế căm hận Thực dân Pháp đã kêu gọi đồng bào Mường chống lại chúng. Vì lo sợ ảnh hưởng của ông nên Pháp đã sai Chánh lang đầu độc chết. Cha là Đinh Công Phủ quan lang vùng Mường Hòa Bình dành cho mình nhiều đặc quyền nhưng cũng sớm nhận định tình hình lúc bấy giờ từ phong trào của Việt Minh, làm cách mạng đánh đuổi Tây, Nhật giải phóng đất nước là định hướng đúng đắn nhất. Được sự giác ngộ của Đinh Công Sắc người cháu ruột và các đồng chí đặc phái viên Tổng bộ Việt Minh như Phan Lang (sau này là thiếu tướng), năm 1944 ông quan lang ấy đã đồng ý vận động nhân dân ủng hộ kháng chiến. Sau Tổng khởi nghĩa ông được cử làm Chủ tịch lâm thời tỉnh Hòa Bình. Ông đã được Bác Hồ nhiều lần gửi thư khen ngợi.

Những trang hồi ký đã nhòe mực của ông Đinh Công Đốc.

Đinh Công Đốc là con trưởng của quan lang Đinh Công Phủ. Ông là người học rộng hiểu nhiều, tính tình khẳng khái và cương trực. Ngay từ khi còn nhỏ được cha cho theo học tại trường Bưởi Hà Nội nên hiểu xã hội một cách sâu sắc. Trong những trang hồi ký của mình ông viết: “Tôi đã đăm chiêu suy nghĩ mà ly khai và khước từ, dám cắt đuôi với cái cũ để đón lấy cái mới hoàn toàn để hứng lấy cái ưu việt của thời đại”… Ông cũng đã chứng kiến những biến cố ngay trong gia đình của mình. Sự xuất hiện của tên Công sứ Pháp và tên tuần phủ họ Dương vừa hút thuốc phiện, xem xòe, vừa dọa nạt cha.

Năm 17 tuổi (1942) vào ngày 28 Tết, cha bảo ông đem cho tên tuần phủ đồ lễ tế hai con gà lôi thiến màu trắng mỗi con gần ba cân, một sọt chè khô. Bị tên tuần phủ chửi mắng hách dịch ra oai, tức sôi lên, lập tức ông ôm ngay hai con gà và đồ lễ về thẳng, nhờ nhà hàng dọc đường mổ gà luộc lên đãi bạn bè. Con gà còn lại dọc đường ông cho nốt anh làm bếp dù những người đi cùng rất sợ hãi. Ngay từ khi còn trai trẻ ông đã xác định cần phải đi đó đi đây để hiểu nhiều điều. Năm 18 tuổi, ông bàn với cha cho mình đi làm mỏ tại huyện Mộc Châu và huyện Phù Yên, Sơn La. Dân phu mỏ thì theo bề ngoài là làm mỏ, bề trong là tổ chức dân binh tập trung công khai.

Khi mới 20 tuổi, từ bỏ đặc quyền là con nhà lang, ông lập đội võ trang có 300 tay súng dọc chiến khu Sông Đà. Đội của ông đã bao phen làm cho giặc Pháp mất ăn mất ngủ và củng cố lòng tin cho nhân dân. Ảnh hưởng của chiến khu sông Đà đã cổ vũ được các vùng lân cận. Các thôn xã như Hương Cần, Yên Lãng có đồng chiêm đã ủng hộ lương thực cho cách mạng. Lúc này phong trào Việt Minh đã bắt đầu lớn mạnh. Ngay cả tên quan Pháp lấy vợ người Việt có nhiều đồn điền trồng trọt và chăn nuôi ở ven sông Đà, cảm phục uy thế của đội du kích cũng tìm đến xin ủng hộ chiến khu một tấn ngô. Hắn còn dám mang cả khẩu súng săn hai nòng hiệu Mácsanh Êchiên đặt khắc chữ bằng vàng tây và vàng mười là súng kỷ niệm của vợ chồng hắn tặng cho ông.

Không chỉ người Mường mà vùng đồng bào dân tộc Dao dọc sông Đà như Mộc Châu, Thanh Sơn, Phù Yên hay trong huyện Mai Đà khi vận động giúp đỡ cách mạng đều sẵn sàng. Việc thực hiện chính sách tuyền truyền bằng truyền đơn, áp phích tại thị trấn Chợ Bờ, Suối Rút khá hiệu quả của ông khiến cho Đinh Công Quyền lúc đó làm tri huyện Mai Đà phải kêu lên: Chẳng thằng nào, chỉ có thằng Đốc, mỗi lần nó xuống là bọn Nhật lại nhốn nháo hỏi han làm khó khăn thêm.

Có lẽ ảnh hưởng lớn nhất đối với ông là từ hình tượng lãnh tụ. Ông tìm đọc những tập công báo. Ngay từ năm 17 tuổi, ông đã cắt lấy tấm hình cụ Hồ đăng trên báo và luôn mang theo bên mình. Trong những chặng đường làm cách mạng, ông đã vinh dự được gặp Bác tại Hà Nội và được Bác căn dặn nhiều. Ông cảm nhận về lãnh tụ: Cụ Nguyễn Ái Quốc là một nhà nho nghèo, đúng như tờ công báo đã viết, người là một con người Việt Nam rất hiếm, mỗi thời chỉ có một người.

Người em kết nghĩa Nhật Bản và ngôi mộ dưới lòng hồ

Tôi cố hình dung gương mặt người lính ấy và cả đại gia đình Nhật Bản qua tấm ảnh mà cô giáo Đinh Lâm Oanh cất giữ rất cẩn thận. Cô nâng niu lật giở từng trang và nói: Khi còn sống, cha tôi thường nhắc tới người lính ấy với tất cả lòng yêu mến và cảm phục. Người lính phản chiến ấy đi theo cha tôi suốt mùa chiến dịch. Ông dặn lại: Thời cuộc khó khăn, bố đã không ít lần cố gắng viết thư nhờ người tìm gia đình I-si để báo tin mà không thể làm được, sau này kể cả khi bố mất rồi, có điều kiện, các con cố gắng tìm lại gia đình chú ấy. Đó là người thân như ruột thịt của gia đình mình. Gia đình chú ấy là gia đình cách mạng có tới 5 đảng viên cộng sản.

I-si ngồi ngoài cùng ( bên trái) cùng các anh và bạn bè.

 

Bằng uy tín và nhân cách của mình, không những ông Đinh Công Đốc đã đoàn kết được nhân dân các dân tộc Mường, Kinh, Thái, Dao thành một khối mà còn cảm hóa được người lính Nhật tên là I-si một thanh niên trí thức đã tốt nghiệp đại học, quê ở tỉnh Hokihama. Anh đã mang theo cả một trung đội về với Việt Minh chống Pháp. Khi ông hỏi tại sao lại bỏ theo Việt Minh. Anh cho biết, ở nước Nhật anh được tuyên truyền rằng Việt Nam cũng là máu đỏ da vàng như người Nhật, sang đó giúp Việt Nam chống Pháp. Anh đã tin. Anh lính tình nguyện đi theo, cùng ăn, cùng ở và rất gắn bó với ông.

Dù hơn hai tuổi nhưng người lính Nhật ấy nhận ông là anh trai và xin một cái tên Việt Nam là Đinh Công Minh. Đinh Công Minh theo ông suốt mùa chiến dịch từ cướp chính quyền ở Hòa Bình đến chiến dịch Sơn La cùng trải qua biết bao nhiêu khó khăn nguy hiểm. Năm 1947, trong một lần cùng ông đi trinh sát tại Chợ Bờ Suối Rút, ông cưỡi ngựa trắng đi trước và I-si Đinh Công Minh cưỡi ngựa đỏ theo sau. Thực dân Pháp đã rất nhiều lần định phục bắt và giết ông.

Lần này cũng vậy, khi đi ra đường Suối Rút, có Việt gian báo, ông sẽ cưỡi ngựa trắng. Người lính Nhật ấy đã biết trước và nhận phần nguy hiểm về mình. Anh đã đổi ngựa cho ông, đuổi ngựa đi trước. I-si Đinh Công Minh đã bị những tràng súng máy của Pháp bắn chết. Cứ mỗi khi kể về người lính ấy cha tôi lại rơm rớm nước mắt nói rằng chú ấy chết mà không còn gì nguyên vẹn cả. Đạn giặc đã làm cho tan nát. Bố đã đi nhặt những mảnh thịt xương nát vụn dọc bờ suối và mang chú ấy chôn bên Dốc Sung.

Thời gian đã làm thay đổi quá nhiều nhưng cứ mỗi lần trở lại vùng hồ Hoà Bình khu vực Suối Rút, bên Dốc Sung ông lại lặng lẽ thắp nén hương cho người em kết nghĩa quả cảm ấy. Ngôi mộ của I-si giờ đã chìm sâu dưới lòng hồ của Nhà máy Thuỷ điện Hòa Bình. Thịt xương người lính ấy đã tan vào đất. Anh đã vĩnh viễn ở lại với đất Mường bên người anh kết nghĩa Đinh Công Đốc.

Tôi cũng nuôi hi vọng rằng qua bài viết này và tấm ảnh còn lại của gia đình người lính ấy, may chăng những người thân của I-si ở Hokihama bên đất nước Mặt trời mọc có thể đọc được những dòng này, nhận ra I-si và hiểu thêm về cuộc sống và sự hi sinh của anh khi thời gian đã quá xa xôi.

(Còn nữa)

LÊ MAI THAO

About lemaithao

Lê Mai Thao Tuổi : Mão Quê gốc : Hà Nam Hiện làm thơ, viết báo, dạy học tại thành phố Hòa Bình Tỉnh Hòa Bình Địa chỉ mail: maithao63hb@yahoo.com
Bài này đã được đăng trong TẢN VĂN- BÁO CHÍ. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này